Từng là kinh đô uy nghiêm của triều đại phong kiến cuối cùng tại Việt Nam, Kinh thành Huế đến nay vẫn làm say lòng du khách bởi quần thể kiến trúc cung đình đồ sộ, tinh xảo và mang đậm dấu ấn vàng son. Hãy cùng Laguna Lăng Cô bước vào hành trình khám phá những nét độc đáo, để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp kiến trúc vượt thời gian của di sản thế giới này.
Nội dung chính
Giới thiệu về Đại Nội Kinh thành Huế
Kinh thành Huế (Đại Nội) là một trong những công trình lịch sử quan trọng thuộc quần thể di tích cố đô Huế, được xây dựng dưới triều Nguyễn. Công trình được khởi công từ đầu thế kỷ 19 và hoàn thiện vào đầu thế kỷ 20, phản ánh nét đặc trưng của kiến trúc cung đình thời phong kiến. Năm 1993, UNESCO đã vinh danh nơi đây là Di sản Văn hóa Thế giới.
Việc xây dựng Đại Nội kéo dài khoảng 30 năm, đòi hỏi sự huy động của hàng vạn nhân công cùng khối lượng vật liệu khổng lồ. Quá trình thi công bao gồm nhiều công đoạn như san lấp mặt bằng, đào hào, dựng tường thành kiên cố.

Ngày nay, du khách khi ghé thăm Đại Nội sẽ có cơ hội khám phá hệ thống cung điện tráng lệ, những đền đài uy nghi và các miếu thờ cổ kính. Khu di tích bao gồm Hoàng Thành, nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng của triều đình và Tử Cấm Thành, khu vực sinh hoạt của vua cùng hoàng gia. Ngoài ra, các công trình tiêu biểu như Điện Thái Hòa, Ngọ Môn, Điện Cần Chánh cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp độc đáo của di sản này.
Lịch sử về Đại nội Kinh thành Huế
Năm 1802, ngay sau khi thống nhất đất nước và lên ngôi, vua Gia Long – vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn quyết định chọn Huế làm kinh đô. Bởi vào thời điểm đó, phương tiện di chuyển chủ yếu là ngựa và voi, nên nhà vua cho rằng vị trí trung tâm đất nước sẽ thuận tiện hơn trong việc liên lạc và quản lý.
Vào mùa hè năm 1805. Đích thân vua Gia Long cùng các đại thần thực hiện khảo sát thực địa để đảm bảo vị trí chiến lược và phù hợp phong thủy.
Công trình này được xây dựng liên tục trong 27 năm (1805 – 1832) qua hai triều vua Gia Long và Minh Mạng.
- Trong giai đoạn đầu, khoảng 30.000 lính và dân phu đã được huy động để thực hiện các công việc quan trọng như chuyển hướng dòng chảy, đào hào và xây tường thành.
- Đến năm 1818, lực lượng lao động tăng lên đến 80.000 người để hoàn thiện các bức tường kiên cố ở cả bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
- Năm 1831 – 1832, vua Minh Mạng cho gia cố thêm tường thành bằng việc xây dựng hệ thống tường bắn bên ngoài, hoàn thiện tổng thể kiến trúc của kinh thành.

Thời gian lý tưởng để khám phá Đại Nội Huế
Để có một chuyến tham quan đáng nhớ, du khách nên lựa chọn thời điểm phù hợp khi ghé thăm Đại Nội Huế. Dưới đây là hai khoảng thời gian lý tưởng:
- Từ tháng 1 đến tháng 3: Đây là thời điểm mùa xuân, khi tiết trời dễ chịu, không quá nóng cũng không quá lạnh. Khung cảnh thiên nhiên trở nên tươi mới với cây cối đâm chồi, hoa nở rực rỡ trên khắp các con đường. Dòng sông Hương cũng mang một vẻ đẹp dịu dàng hơn, tạo nên không gian thơ mộng để du khách dạo bước và tận hưởng trọn vẹn nét cổ kính của kinh thành.
- Từ tháng 4 đến tháng 6: Đây là thời điểm diễn ra các lễ hội lớn, đặc biệt là Festival Huế – sự kiện văn hóa đặc trưng của miền Trung. Nếu đến Đại Nội vào thời gian này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp uy nghiêm của cung điện mà còn có cơ hội hòa mình vào những hoạt động nghệ thuật đặc sắc, khám phá nhiều giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất cố đô.
Chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo trong Đại nội Kinh thành Huế
Cổng Ngọ Môn – Cửa ngõ uy nghi của Hoàng Thành
Ngọ Môn là cổng chính dẫn vào Hoàng Thành Huế, một biểu tượng kiến trúc mang đậm dấu ấn triều Nguyễn. Công trình được xây dựng với quy mô hoành tráng, gồm nhiều lớp bảo vệ và hệ thống hào bao quanh. Vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian, Ngọ Môn vẫn giữ nguyên vẻ bề thế, trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử dân tộc.

Nằm ở phía Nam Hoàng Thành, Ngọ Môn được thiết kế với 5 lối đi riêng biệt. Lối chính giữa chỉ dành cho hoàng đế, hai cửa phụ là nơi ra vào của quan văn và quan võ, còn hai cửa ngoài cùng dành cho binh lính và đoàn tùy tùng. Phía trên là Lầu Ngũ Phụng, một công trình bằng gỗ lim vững chãi, được chia làm hai tầng. Đặc biệt, hệ thống mái ngói có 9 bộ mái chạm khắc tỉ mỉ, trong đó phần mái giữa được lợp ngói vàng tượng trưng cho quyền uy của vua, còn các phần mái còn lại sử dụng ngói xanh. Dưới triều Nguyễn, đây là nơi tổ chức những nghi lễ quan trọng của triều đình.
Điện Thái Hòa – Biểu tượng quyền lực Hoàng triều
Tọa lạc trong khuôn viên Hoàng Thành, Điện Thái Hòa là nơi vua tổ chức các buổi thiết triều quan trọng. Công trình này không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà còn là kiệt tác kiến trúc nổi bật của Đại Nội Huế.

Điện được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim quý hiếm, phần mái và các cột trụ được chạm khắc hoa văn tinh xảo, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Ngay chính giữa điện là ngai vàng, nơi vua ngự trị, thể hiện sự uy nghiêm và quyền lực tối cao của hoàng đế.
Đại Cung Môn – Cổng chính vào Tử Cấm Thành
Đại Cung Môn là cửa ngõ dẫn vào khu vực Tử Cấm Thành, Đại Cung Môn được vua Minh Mạng xây dựng vào năm 1833. Công trình này bao gồm 3 lối đi, 5 gian và được làm hoàn toàn bằng gỗ, với mái ngói hoàng lưu ly. Tuy nhiên, trong chiến tranh, Đại Cung Môn đã bị tàn phá nghiêm trọng và hiện đang trong quá trình nghiên cứu để phục dựng.
Tả Vu và Hữu Vu – Không gian nghi lễ trang trọng

Được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, Tả Vu và Hữu Vu nằm ngay trước Điện Cần Chánh, là nơi chuẩn bị nghi lễ cho các buổi thiết triều. Tả Vu dành cho các quan văn, trong khi Hữu Vu là khu vực dành cho quan võ. Ngoài ra, đây còn là địa điểm tổ chức các kỳ thi Đình và những buổi yến tiệc của hoàng gia. Hiện nay, Tả Vu được dùng để trưng bày các hiện vật lịch sử, còn Hữu Vu trở thành điểm tham quan thu hút du khách.
Điện Cần Chánh – Tinh hoa kiến trúc gỗ của Tử Cấm Thành

Điện Cần Chánh là một trong những công trình đặc sắc nhất của Đại Nội. Kiến trúc này nằm trên trục Bắc – Nam, thẳng hàng với Điện Thái Hòa. Điện Cần Chánh là nơi diễn ra các buổi thiết triều của nhà vua, được xây dựng với kết cấu gỗ đồ sộ. Điểm nhấn nổi bật của điện là những cột trụ và hệ khung được điêu khắc tỉ mỉ, thể hiện sự tinh xảo trong nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.
Những hoạt động hấp dẫn khi tham quan Đại Nội Kinh thành Huế
Nếu bạn đang tìm kiếm những trải nghiệm đáng nhớ khi ghé thăm Đại Nội Huế, đừng bỏ lỡ những gợi ý dưới đây. Những hoạt động này sẽ giúp bạn tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của quần thể di tích độc đáo này!
Khám phá Đại Nội trên xích lô

Một cách thú vị để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của Hoàng Thành Huế là ngồi xích lô dạo quanh khu vực này. Bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn toàn cảnh các công trình kiến trúc mà không mất quá nhiều sức, đồng thời cảm nhận nhịp sống bình yên nơi cố đô. Giá thuê xích lô dao động từ 30.000 – 50.000 VNĐ/lượt, giúp bạn có một chuyến tham quan nhẹ nhàng nhưng vẫn trọn vẹn.
Chiêm ngưỡng Đại Nội khi về đêm

Khi hoàng hôn buông xuống, Đại Nội khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới – lung linh, huyền ảo dưới ánh đèn. Không gian cổ kính kết hợp với ánh sáng rực rỡ tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp, lý tưởng để dạo bước thư giãn hoặc ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng qua ống kính máy ảnh.
Hòa mình vào không khí lễ hội cung đình

Đến Đại Nội, du khách không chỉ chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc mà còn có thể tham gia các hoạt động văn hóa đặc sắc. Những lễ hội mang đậm dấu ấn hoàng gia thường được tái hiện trong các dịp đặc biệt như Festival Huế, mang đến cho bạn cơ hội khám phá nét đẹp cung đình xưa. Ngoài ra, bạn có thể ghé thăm khu vực cung Diên Thọ, thưởng thức trà và trải nghiệm không gian hoàng gia đầy thư thái.
Lời kết
Kinh thành Đại Nội Huế không chỉ là một di sản kiến trúc mà còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa triều Nguyễn. Một chuyến tham quan nơi đây sẽ mang đến cho bạn những kỷ niệm khó quên, từ việc khám phá những công trình tráng lệ đến việc hòa mình vào không khí cung đình xưa.
Khép lại hành trình khám phá Đại Nội Huế đầy cảm hứng, hãy để Laguna Lăng Cô là điểm dừng chân lý tưởng cho bạn thư giãn và tiếp tục tận hưởng vẻ đẹp cố đô theo cách riêng biệt và trọn vẹn nhất.