Thế giới vẫn hâm mộ Nhật Bản bởi nghệ thuật Kintsugi – hàn gắn những món đồ gốm đã bị nứt vỡ bằng vàng. Ít ai biết, tại Việt Nam, việc tận dụng những mảng gốm đã bỏ để ghép nối nên một tác phẩm nghệ thuật đã xuất hiện vào những năm thuộc thế kỷ XI – XII, xuất phát từ những người thợ ngoã trong dân gian.
Ban đầu, họ góp nhặt các mảnh vỡ phế phẩm từ các lò gốm rồi dùng để trang trí nhà cửa trong quá trình xây dựng. Dần dà, việc khảm sành, sứ trở nên tinh xảo, những người thợ giỏi có tài khảm sành sứ còn có thể được ban quan ban chức với các danh hiệu như miễn sai, miễn rao, cửu phẩm, bát phẩm…Thông thường khảm sành sứ ở chùa miếu thì đồ án sẽ đơn giản hơn, còn với các kiến trúc hoàng gia thì hoạ tiết cầu kỳ hơn, chất men có độ bóng cao và màu rực rỡ hơn.
Đến thời nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX, nghệ thuật khảm gốm sứ đạt đỉnh cao với các công trình kiến trúc cung đình Huế, tiêu biểu như Hoàng Thành, Phủ, Đệ , Đình, Từ đường, Lăng… Muốn tìm hiểu về chuyện khảm gốm sứ lên kiến trúc, nhất định phải đi thăm lăng vua Khải Định – một trong những lăng vua kỳ công nhất trong lịch sử Việt Nam. Mất đến 11 năm để hoàn thành kiến trúc này. Anh bạn địa phương bảo rằng, khác với những vị vua khác che giấu vị trí đặt xác, vua Khải Định không làm như vậy vì tin rằng, nơi này đẹp đến nỗi sẽ làm chùn chân những kẻ muốn phá hoại.
Lăng Khải Định tiêu tốn tiền của bậc nhất trong lịch sử triều đại Nguyễn. Không chỉ bởi nguyên vật liệu quý hiếm phải đặt tận Pháp, Nhật, Trung,…mà còn bởi những bức bích hoạ cầu kỳ được khảm bằng gốm sứ ngay trên điện chính – cung Thiên Định – nơi tài hoa của những người nghệ nhân được phô diễn với các bức bích họa, phù điêu bằng sành sứ và thủy tinh. Những tác phẩm nghệ thuật đại diện cho xuân – hạ – thu – đông (tứ quý), hay mang hình dáng thuỵ thú long – lân – quy – phụng, bát bửu, ngũ phúc, vương miện… tạo nên một khung cảnh đáng ngưỡng mộ, nhất là khi chiều buông xuống, nắng hắt vào qua các khung cửa.
Cái đẹp và đặc biệt của khảm gốm sứ, là từ những mảnh vỡ đã bị từ chối, người nghệ nhân biến thành một tác phẩm độc đáo. Khảm gốm sứ không dễ, nhất là khảm gốm sứ cho lăng vua. Người nghệ nhân phải thật cẩn thận ngay từ khâu đầu tiên là lựa chọn màu sắc, chất liệu mảnh vỡ. Tuỳ theo đó, họ mài dũa sao cho các mảnh ghép khít nhau, rồi mới khảm theo màu men và cường độ tiếp sáng. Ngày đó mọi thứ hầu như đều phải làm từ tay từ các nguyên liệu tự nhiên, như keo dán gốm sứ thì được chế tạo từ vỏ hàu, vôi, lá cây và mật.
Qua ngần ấy thời gian, người Việt vẫn đơn giản gọi môn nghệ thuật đã tạo nên vẻ đẹp độc tôn, hồn cốt tinh anh của các công trình kiến trúc truyền thống xứ Huế là “khảm gốm sứ.”